Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

những điều cần biết khi sử dụng Mỹ Phẩm


I. Mỹ phẩm là gì?

Vẻ đẹp hình hài luôn là mối quan tâm của mọi người ở mọi thời đại, đặc biệt đối với phụ nữ. Mỹ phẩm là một trong những phương tiện làm đẹp xuất hiện từ lâu đời. Hơn 4000 năm trước, phụ nữ Ai Cập đã có bàn trang điểm và dựa vào sử sách còn để lại, vị nữ hoàng Ai Cập Cleopâtre được cho là luôn kẻ chân mày, mí mắt để làm đẹp. Còn 1800 năm trước, Galien, người được xem là thủy tổ ngành Dược phương Tây và là người đầu tiên hệ thống hóa các công thức bào chế, đã đưa ra công thức của kem lạnh (cold cream) với thành phần chủ yếu là sáp ong và tinh dầu hoa hồng.

Mỹ phẩm cần được xem như một bộ phận của dược phẩm. Bởi vì, muốn tìm một định nghĩa chính xác cho mỹ phẩm ta phải tra cứu, tìm trong các tự điển y dược. Mỹ phẩm được định nghĩa như sau:

“Mỹ phẩm là sản phẩm được chế tạo nhằm mục đích làm sạch cơ thể, làm tăng thêm vẻ đẹp, làm tăng sự hấp dẫn, làm thay đổi diện mạo bên ngoài, giúp bảo vệ, nuôi dưỡng các mô tạo nên bề ngoài cơ thể”. (Theo Blakiston’s Gould Medical Dictionary, 1972 và Dictionnaire médical, Masson, Paris, 1996)

Với định nghĩa có đề cập đến vấn đề “nuôi dưỡng các mô tạo nên bề ngoài cơ thể” tức có ảnh hưởng đến các mô của cơ thể ta nên phải lưu ý dùng mỹ phẩm đúng đắn và thận trọng.

II. Mỹ phẩm thường dùng gồm những loại gì?

Do mỹ phẩm là sản phẩm tác độâng đến diện mạo hình hài nên có thể phân loại mỹ phẩm theo các bộ phận mà nó cho tác dụng như sau:

a. DA: xà bông tắm, sửa tắm, chất làm sạch, chất làm ẩm, chất làm mềm da, chất tẩy trắng, phấn hồng, phấn nền, bột thơm, nước hoa, kem chống nắng, kem dưỡng da…

b. LÔNG TÓC: dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm, thuốc uốn, thuốc làm thẳng tóc, keo chải tóc, gel bôi tóc, thuốc làm rụng lông, kem cạo râu…

c. MẮT: viết kẻ mắt, kẻ lông mày, kem chải lông mi, mí mắt giả…

d. MÔI: son môi, chất làm ẩm môi, chất làm bóng môi…

e. MÓNG TAY, CHÂN: sơn, thuốc tẩy sơn…

Trong các loại mỹ phẩm, đáng lưu ý nhất là KEM CHĂM SÓC DA hay còn gọi KEM DƯỠNG DA. Đây là loại mỹ phẩm đuợc dùng nhiều nhất và nếu sử dụng không đúng có thể gây tác hại trầm trọng. Kem dưỡng da thường được dùng nhằm vào 2 mục đích:

1- Giúp da mịn màng, tươi trẻ, hồng hào. Đây có thể xem là ước muốn muôn đời của phụ nữ.

2- Giúp khắc phục những khiếm khuyết mà đôi khi trở thành nỗi ám ảnh, đau khổ của một sốâ người, đó là: mụn trứng cá, vết nám, vết nhăn.

Kem chăm sóc da xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, có đủ chủng loại, nhưng xét về mặt tác dụng có thể phân thành 5 loại chính sau đây:

· Kem lạnh (cold creams): có dạng nhũ tương (emulsion ) dùng làm sạch da. Dạng nhũ tương là dạng bào chế được dùng nhiều nhất cho kem dưỡng da, đó là hệ phân tán chất béo không tan thành những hạt rất mịn trong dung dịch có nước tạo thành thể đồng nhất (sữa chúng ta uống là nhũ tương rất hoàn hảo của thiên nhiên mà các nhà bào chế rất muốn bắt chước).

· Kem tẩy (cleansing creams): không phải dạng nhũ tương mà là dạng đặc, cũng nhằm làm làm sạch da.

· Kem thoa qua đêm (night creams): làm dịu da, làm ẩm da, làm da mịn hơn.

· Kem lót (foundation creams): tạo lớp lót bảo vệ da khi trang điểm.

· Kem chống nám, kem bảo vệ…
 

Về nguyên liệu làm kem chăm sóc da, thời xưa khi chưa có ngành hóa chất, người ta chỉ dùng nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên như: hoa, quả, lá, rễ cây, tinh bột ngũ cốc, sáp ong, mỡ trừu, gôm, mỡ cá voi, hương liệu tự nhiên (như xạ hương là chất tiết ra từ bộ phận sinh dục của một loài sơn dương). Thời nay, khi nền công nghiệp hóa chất rất phát triển, người ta vẫn sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên như: trân châu, phấn hoa, sữa ong chúa, tinh chất nhau thai, hormon, vitamin, nghệ, lô hội (nha đam)… nhưng sản xuất công nghiệp luôn đòi hỏi phải kết hợp sử dụng HÓA CHẤT TỔNG HỢP (hoặc là hoạt chất, hoặc là tá dược bảo quản). Vì vậy, luôn phải đề phòng các tác dụng không mong muốn do hóa chất tổng hợp gây ra.


III. Vì sao cần phải xem MỸ PHẨM là một bộ phân của DƯỢC PHẨM?

Như trên đã trình bày, mỹ phẩm cần được xem như một bộ phận của dược phẩm vì muốn có định nghĩa chính xác về mỹ phẩm phải tìm trong tự điển y dược, nhưng còn có lý do sau:

Mỹ phẩm cần được đánh giá, kiểm tra an toàn, sử dụng thận trong như dược phẩm. Ở nước Mỹ, từ năm 1938 mới có luật liên bang về mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm (Federal Food, Drug and Comestic Act of 1938). Nhờ có luật đề cập đến mỹ phẩm, chính phủ Mỹ tiến hành việc hạn chế mỹ phẩm giả, bảo vệ người tiêu thụ một cách có hiệu quả. Ở nước ta, việc quản lý chất lượng mỹ phẩm hiện nay thuộc Cục Quản lý Dược VN. Bộ Y tế nước ta đã ban hành: “Quy chế thông tin, quảng cáo thuốc dùng cho người và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người” (4/7/2002) nhằm bắt buộc các thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm phải khách quan, chính xác, trung thực, khoa học và rõ ràng. Có một số mỹ phẩm không được quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng như: mỹ phẩm dùng có sự kết hợp chiếu tia cực tím (UV), mỹ phẩm dùng phải có có sự hướng dẫn đặc biệt của thầy thuốc chuyên khoa…



Trong sử dụng mỹ phẩm hiện nay có những sai lầm nào?

Trước hết, có người đã dùng chế phẩm là TÁ DƯỢC để dùng như mỹ phẩm. Như dùng chế phẩm TOPIGEL là loại tá dược bào chế sẵn dành cho các nhà thuốc có dịch vụ bào chế theo đơn (hiện nay nhiều nhà thuốc ở Pháp vẫn còn có dịch vụ này) bào chế thuốc theo yêu cầu của bác sĩ dành cho người bệnh. Topigel có 2 dạng nước và cồn. Dạng cồn được dùng pha trộn với kháng sinh không tan trong nước là erythromycin để làm kem trị mụn. Topigel không phải là kem dưỡng da như một số người lầm tưởng.

Kế tiếp là có sự dùng nhầm DƯỢC PHẨM BÔI NGOÀI DA CHỨA GLUCOCORTICOID như kem dưỡng da. Đây là sai lầm khá phổ biến. Các thuốc bôi ngoài da như: CORTIBION, HALOG, SYNALAR, FLUCINAR, TOPSYNE, TOPGEL, DIPRISONE….đã được dùng nhầm và đã gây tai biến có khi rất trầm trọng. Có sự dùng nhầm vì kem dưỡng da và thuốc có cùng dạng bào chế: kem, gel, nhũ tương. Quan trọng hơn là vì nhiều người dùng nhầm do thuốc cho tác dụng tức thời mà nhiều người rất thích: trắng, mịn, da láng hơn do tác dụng chống viêm của glucocorticoid (thường được gọi tắt là corticoid), nhưng dùng lâu dài sẽ bị: mụn đỏ, mụn li ti, teo da, rạn da, tăng tiết bã nhờn, giãn mạch máu, làm hư hết da mặt.

Kế tiếp nữa là có tình trạng dùng “KEM TỰ CHẾ” rất có hại. Sau đây là 2 công thức “kem tự chế” mà nhiều bạn đọc đã gửi thư hỏi:

Công thức 1:
Công thức 2:
Aspirin pH8
2 viên Aspirin pH8
Cortibion
1 viên Lincomycin
Bécozyme
1 viên Vitamin E
Tetracyclin
1 hộp thanh hiên

1 hộp chim én

Tác hại trong “kem tự chế” là có thuốc chứa corticoid, riêng trong công thức 2 có kháng sinh Lincomycin là loại không bao giờ dùng ngoài da. Hoàn toàn không nên dùng bất cứ loại “kem tự chế” nào dùng làm kem dưỡng da.

IV. Cần lưu ý những gì trong sử dụng mỹ phẩm?

· Cần biết chọn lựa mỹ phẩm (địa chỉ tin cậy, lưu ý hạn dùng).

· Cần có sự hiểu biết tối thiểu về da của bản thân thuộc loại nào: da bình thường, da khô, da nhờn, da hỗn hợp, da mẫn cảm.

· Ghi nhớ: Mỹ phẩm không phải thuốc trị bệnh ngoài da, ngược lại, Dược phẩm không được dùng như mỹ phẩm.

· Lưu ý về dị ứng:

- Cần thử xem có bị dị ứng: bôi trước một vùng nhỏ trên da ở mặt trong cánh tay trong một thời gian xem có bị đỏ, ngứa.

- Nếu bị dị ứng thì ngưng ngay và không bao giờ dùng loại mỹ phẩm đó nữa.

· Chỉ dùng mỹ phẩm khi thật cần thiết, đúng mực.

· Chú ý đến chế độ dinh dưỡng (ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất), hoạt động thể lực (vận động tốt, máu huyết lưu thông điều hòa thì da dẻ mới tốt), nghỉ ngơi thích hợp là các biện pháp làm đẹp rất an toàn.